PHẦN THỨ HAI: MỘT SỐ DANH NHÂN HỌ PHAN TỪ TRIỀU TRẦN LÊ ĐẾN NGÀY NAY

 

Trang trước

CHƯƠNG VI
THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH

ĐINH ĐỨC THIỆN
CHÍNH TÊN LÀ PHAN ĐÌNH DINH
(1913-1987) Thượng tướng
 (Báo nhân dân số 11886 ngày 22/1/1987)

Ông Phan Ðình Dinh sinh năm 1913 trong một gia đình nông dân tại xã Nam Vân, huyện Nam Ninh tỉnh Nam Ninh.

Năm 1930 ông tham gia hoạt động cách mạng bị Ðế quốc bắt giam ở Nam Ðịnh.

- Năm 1936 ông hoạt động hội ái hữu trong Mặt trận Dân chủ.

- Năm 1939 kết nạp vào Ðảng cộng sản Ðông Dương.

- Tháng 4/1940 ông bị đế quốc bắt lần thứ 2 giam ở Nam Ðịnh và ở Hoả Lò Hà Nội.

- Năm 1942 ông ra tù, tìm bắt liên lạc và tiếp tục hoạt động ở địa phương.

- 1944 Ðảng điều động ông lên hoạt động ở Vĩnh Yên, tham gia Ban cán sự Tỉnh uỷ, rồi làm bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Yên.

Thời kỳ hoạt động bí mật từ 1930-1945, ông tỏ ra một người hoạt động kiên cường, sôi nổi, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Sau cách mạng tháng 8/1945, ông làm bí thư kiêm chủ tịch Uỷ ban hành chính Bắc Giang rồi năm 1947 được Trung ương chỉ định uỷ viên khu 12.

- 1948-1949 Uỷ viên thường vụ khu uỷ khu I khu Việt Bắc.

1950 được điều vào quân đội giữ chức Cục trưởng Cục vận tải, vừa là bí thư Ðảng uỷ cục, đồng thời là Ðảng uỷ viên Ðảng uỷ Cục cung cấp.

- 1954 Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, Uỷ viên thường vụ Tổng cục đảm bảo hậu cần tiếp tế kịp thời các chiến dịch, đặc biệt Ðông Xuân 1953-1954 góp phần đảm bảo vận chuyển đáp ứng lương thực chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

- 1957 - 1964 thứ trưởng Bộ công nghiệp nặng, thường vụ đảng đoàn Bộ công nghiệp và tiếp đó vào năm 1959 kiêm làm giám đốc, Bí thư Ðảng uỷ gáng thép Thái Nguyên.

- 1965 điều trở lại quân đội, chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, Uỷ viên quân uỷ Trung ương.

- 1969 kiêm chức Bộ trưởng, Ðảng đoàn Bộ Cơ khí luyện kim.

- 1972 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

- 1974 chủ nhiệm và bí thư Ðảng đoàn Tổng cục hậu cần.

- 9/1974 kiêm chủ nhiệm và bí thư Ðảng uỷ Tổng cục kỹ thuật.

Thời gian chống Mỹ ông luôn luôn có mặt ở tiền tuyến miền Nam, đặc trách tuyến chi viện Trường Sơn.

Xuân 1975 là thành viên bộ phận đại diện quân uỷ Trung ương và bổ Tổng tư lệnh chỉ đạo chiến dịch giải phóng Tây nguyên và sau đó tham gia bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh.

Miền Nam giải phóng ông được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước.

- 1976 Bộ trưởng phụ trách Tổng cục dầu khí, bí thư Ðảng đoàn Tổng cục.

- 1980 Bộ trưởng, bí thư ban cán sự Bộ giao thông vận tải.

- 1982 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Ông được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Trung ương Ðảng tại đại hội III của Ðảng và được bầu vào uỷ viên chính thức đại hội IV.

Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1974.

Và được tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh, huân chương quân công hạng nhất, huân chương chiến công hạng I, Huân chương chiến thắng hạng I, huân chương chiến sĩ giải phóng, huân chương quân kỳ quyết thắng, huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng.

Do tai nạn xe, ông đã từ trần hồi 17h5? ngày 20/1/1987.


PHAN ĐÌNH GIÓT
(1924-1954)
Anh hùng quân đội

Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954, Phan Ðình Giót là vị anh hùng lực lượng vũ trang quân đội nhân dân được phong tặng đợt đầu về chiến công lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tạo điều kiện cho quân ta đánh thắng trong trận tấn công vào đồi Him Lam mở đầu cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng.

Phan Ðình Giót là người anhhùng vinh dự được Bác Hồ kính yêu viết bài biểu dương thành tích trên báo nhân dân số ra ngày 20/10/1954 dưới ký tên tắt là C.B như sau:

Nhớ người chiến sĩ anh hùng

Trong lúc vui mừng Thủ đô giải phóng, chúng ta càng nhớ đến công lao của bộ đội ta, nhớ đến những chiến sĩ anh hùng đã hy sinh vì nhân dân, vì Tổ quốc. Ðây là một trong trăm nghìn chuyện oanh liệt, tỏ rõ tinh thần anh dũng của bộ đội ta.

Anh hùng Phan Ðình Giót là người huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, năm nay 30 tuổi.

Lúc bé đi chăn trâu, lớn lên là một bần nông. Năm 1950 xung phong vào bộ đội, vì người gầy gò e thiếu cân, đồng chí Giót dắt đá sỏi vào người cho đủ cân, để được tuyển. ở bộ đội, đồng chí Giót gan dạ, cần cù, ngay thẳng, hay giúp đỡ anh em cho nên được mọi người yêu mến.

Trong chiến dịch Tràng Bạch, Hoà Bình, đồng chí Giót đã lập chiến công.

Trong chiến dịch Ðiện Biên Phr, trận Him Lam (13/3/1954) đơn vị đồng chí Giót phụ trách phá dây thép gai quanh lô cốt địch, năm lô cốt trên đồi cao bắn xuống như mưa, chiến sĩ ta nhiều người bị thương, đồng chí Giót bị thương nặng ở đùi, cố sức trườn người lên đồi, lại bị thương ở bả vai, vẫn nghiến răng ném lựu đạn vào lô cốt địch.

Khi ta phá được 4 lô cốt, bộ đội ta ào ào lên đồi, địch ở Mường Thanh bắn đại bác dữ dội làm một cây gỗ đè vào ngực đồng chí Giót. Ngất đi, tỉnh lại, đồng chí Giót thấy lô cốt thứ 3 bắn dữ dội để chẹn đường tiến của bộ đội ta. Tuy máu ra nhiều, gần kiệt sức, đồng chí Giót cứ ráng bò lên, đến chân lô cốt thì đưa hết lực lượng nhảy chồm dậy, nhét chặt lưng vào lỗ châu mai, thế là địch không bắn được nữa. Bộ đội ta theo lá cờ quyết chiến quyết thắng ào ạt tiến lên tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Him Lam.

Trong khói lửa nghi ngút, bộ đội ta đã nghiêng mình trước đồng chí Giót, vị anh hùng đã hy sinh oanh liệt, để mở đầu cuộc đại thắng Ðiện Biên Phủ ma tiếng tăm đã vang lừng khắp thế giới.

Hy sinh vì nước là thơm
Những phường giá áo túi cơm sá gì!

                                            C.B

Trích nguyên văn báo nhân dân ngày 20/10/1954

Phan Ðình Giót, người xả thân vì nước, lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tượng trưng cho anh hùng dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, một thời đại vẻ vang nhất của lịch sử nước ta.


PHAN TRỌNG TUỆ
(1917-1991)
Phó thủ tướng- Bộ trưởng

Phan Trọng Tuệ sinh ngày 7/7/1917 trong một gia đình thợ thủ công tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Ông đã sớm giác ngộ cách mạng, tháng 8/1934 được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương và hoạt động trong phong trào sinh viên ở tỉnh Viêntiane - Lào.

- Tháng 2/1935 bị đế quốc Pháp bắt, và trục xuất, quản thúc tại quê nhà. ở đây đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia thành lập tổ Ðảng ở thôn Ða Phúc (Sài Sơn).

Năm 1937 ông trực tiếp phụ trách chi bộ Ðảng ở xã Sài Sơn và liên lạc với Thành uỷ Hà Nội. Năm 1940 ông là Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Sơn Tây.

Năm 1941: Bí tỉnh uỷ Hà Ðông, rồi Bí thư liên tỉnh uỷ gồm Hà Nội, Hà Ðông, Sơn Tây, Hà Nam.

Cuối năm 1941: Xứ uỷ viên xứ uỷ Bắc Kỳ phụ trách công tác binh vận.

- Tháng 3/1943, ông bị đế quốc Pháp bắt ở Hà Nam, bị chúng két án 27 năm tù khổ sai đầy đi Côn Ðảo. Trong tù tiếp tục hoạt động cách mạng, là chi uỷ viên khối Hà Nội - Sơn La.

- Tháng 4/1945, tham gia giành chính quyền tại Côn Ðảo, được cử vào ban quân sự phòng thủ đảo.

- Tháng 10/1945, được trở về đất liền tham gia kháng chiến ở tỉnh Hậu Giang, được cử vào thường vụ liên tỉnh uỷ miền Tây Nam Bộ.

- Năm 1948 được cử vào xứ uỷ Nam Bộ.

- Năm 1949 kiêm bí thư quân khu uỷ đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, sau đó là bí thư khu uỷ quân khu miền Ðông Nam Bộ.

- Năm 1951 là thường vụ Liên khu Uỷ trực tiếp làm Phó chi Uỷ Liên quân khu miền Tây Nam Bộ.

- Tháng 8/1954, phó trưởng đoàn quân đội nhân dân Việt Nam trong ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ.

- Tháng 11/1955 là trưởng đoàn quân đội nhân dân Việt Nam trong ban Liên hiệp đình chiến Trung ương.

- Tháng 3/1957 là phó Tổng thanh tra quân đội nhân dân Việt Nam.

- Năm 1958 làm Thứ trưởng công an, Tư lệnh kiêm chính uỷ công an vũ trang, Uỷ viên Ðảng đoàn bí thư Ðảng uỷ bọ đội bảo vệ, được thăng quân hàm thiếu tướng.

- Tại đại hội toàn quốc lần thứ III của Ðảng năm 1960, ông được bầu vào ban chấp hành Trung Ðảng.

- Năm 1961: Bộ trưởng bộ giao thông vận tải, Uỷ viên quân Uỷ Trung ương (1965-1972) tư lệnh kiêm Chính uỷ Bộ tư lệnh đoàn 559 (1965), Bí thư Ðảng uỷ giao thông vận tải Trung ương. Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải quân khu IV (1968).

- Tháng 4/1974 đến 1976: Phó thủ tướng Chính phủ kiêm thường trực Hội đồng chi viện giải phóng miền Nam (1975).

- Cuối 1976 Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải kiêm bí thư Ðảng uỷ giao thông vận tải Trung ương.

- Ðại hội toàn quốc lần thứ IV của Ðảng (12/1976), được cử vào ban chấp hành Trung ương Ðảng.

Ông là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VI.

Do công lao và thành tích đối với cách mạng, ông đã được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương khác.

Do sau một thời gian lâm bệnh, ông đã từ trần hồi 12h45? ngày 18/12/1991 tại thành phố Hồ Chí Minh và an táng tại nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh.

(Ghi theo báo nhân dân số 13516 ngày thứ sáu 20/12/1991.


PHAN THỊ MAI
(1934-1967)
Một liệt nữ tự thiêu phản đối giặc Mỹ
giết người ở Sài Gòn

Phan Thị Mai là một nhà giáo yêu nước, có hiệu là Nhất Chi, thường gọi là Nhất Chi Mai. Cô sinh tháng 2/1934 tại xã Thái Hiệp Thành, tỉnh Tây Ninh.

Cô tốt nghiệp trường quốc gia sư phạm năm 1956, và trường đại học văn khoa Sài Gòn năm 1964, rồi trường cao đẳng phật học Vạn Hạnh năm 1966.

Từ năm 1967, cô dạy ở trường tiểu học Tân Ðịnh, nhiệt tình hoạt động xã hội. Tấm lòng yêu nước nung nấu, căm hờn trước sự bạo tàn của quân xâm lược Mỹ đã giết hại đồng bào. Trước bàn tay đẫm máu của bọn sát nhân, cô không nói lên được, không biết làm thế nào chặn lại, cô quyết tâm lấy thân mình làm đuốc nung lên chí căm hờn của người dân đất Việt, chặn bàn tay đẫm máu của kẻ bạo tàn.

Ngày 8/4 âm lịch năm Ðinh Mùi, nhằm ngày Phật đản (16/5/1967) cô tự thiêu thân mình trước sân chùa Tư Nghiêm Sài Gòn, nay thuộc quận 10 - thành phố Hồ Chí Minh, sự hy sinh dũng cảm nói lên sự uất hận căm hờn giặc Mỹ, trước sự chứng kiến của nhân dân.

Trước khi tự thiêu, cô để lại 10 bức thư gửi cho nhiều giới trong nước. Trong đó có bài:

"Sao người Mỹ tự thiêu? - Sao thế giới biểu tình? - Sao Việt Nam im tiếng?

"Không dám nói hoà bình? - Tôi thấy mình hèn yếu - Tôi nghe lòng đắng cay.

"Sao mình không thể nói? - Chết mới được ra lời - Hoà bình là có tội!

"Hoà Bình là Cộng Sản - Không, tôi vì lòng nhân ban. - Mà muốn nói hoà bình.

"Chắp tay tôi quỳ xuóng - Chịu đau đớn thân này - Mong thoát lời thống thiết.

"Dừng tay lại người ơi! - Hai mười năm nay rồi! - Nhiều máu xương đã đổ!

"Ðừng giết chúng dân tôi - Chắp tay tôi quỳ xuống".

Giữa vùng địa ngục trần gian đầy dẫy những bọn sát nhân khát máu, với ý chí căm thù cao độ, tấm thân con gái mảnh mai, không còn cách nào khác là quyết tâm tự thiêu sống thân mình, để biểu lộ ý chí đấu tranh cho đến tan xương nát thịt, kể cũng là một hình ảnh hy sinh dũng cảm của người phụ nữ trong phong trào chống Mỹ. Lúc này cô mới 33 tuổi.


CHẾ LAN VIÊN
TÊN CHÍNH LÀ PHAN NGỌC HOAN
 
(1920-1989)
Nhà thơ hiện đại

Phan Ngọc Hoan tức Chế Lan Viên sinh năm 1920 trong một gia đình viên chức ở Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Lớn lên đi học ở trường Quy Nhơn (Bình Ðịnh). Ðậu trung học, ông đi dạy ở nhiều trường tư thục các tỉnh mìên Trung và thành phố Huế. Ông làm thơ khá sớm với tập "Ðiêu tàn" làm năm 1938 được mọi người chú ý, "Ðiêu tàn" nói lên sự từ chối thực tại, quay về với một thế giới hư ảo, quái dị của những giấc mơ bao trùm lên tất cả, là một sự băn khoăn siêu hình về "cái tôi" và một dự cảm hãi hùng về sự huỷ diệt của cuộc sống. Ðây là một sự bế tắc của thời đại lúc ấy của nhà thơ. Cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên sớm báo hiệu sự bế tắc và tự phủ định của "Thơ mới" ngay lúc đang thịnh, cũng như sự bế tắc về đường đi của một thế hệ nhà thơ trước cách mạng. Sau này Chế Lan Viên đã phản ánh sự bế tắc đó trong mấy câu thơ rất giàu tính khái quát:

Ta làm con nai lạc giữa rừng thu
Làm con hổ sa cơ giận vườn bách thú,
Làm bóng ma Hời, sờ soạng đêm mơ,
Làm tất cả chỉ trừ đổ máu.
(Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã giải thoát cho Chế Lan Viên ra khỏi bế tắc đó. Tham gia cách mạng ở thị xã Quy Nhơn, rồi hoạt động văn nghệ và báo chí ở liên khu IV, được kết nạp vào Ðảng ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, Chế Lan Viên như được hồi sinh lại:

Tôi dứng dưới cờ, giơ tay tuyên thệ,
Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ,
Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu,
Ðảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau.
(Kết nạp Ðảng trên quê hương mẹ)

Tập thơ "Gửi các anh" (1945) tập hợp các bài thơ sáng tác trong những năm kháng chiến thể hiện những cố gắng đổi mới và bước tìm tòi một con đường nghệ thuật cách mạng của tác giả. Tập "ánh sáng và phù sa" (1960) đánh dấu bước phát triển của Chế Lan Viên hành trinh thơ ca Cách mạng.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, thơ Chế Lan Viên có những thành tựu mới: "Hoa ngày thường, chim báo bão" (1967) mang âm hưởng hùng tráng sôi nổi của cuộc kháng chiến: Ba tập thơ tiếp theo: "Những bài thơ đánh giặc" (1972) - "Ðối thoại mới" (1973) và "Hái theo mùa" (1977), nhà thơ vẫn tập trung vào chủ đề lớn chống Mỹ cứu nước?

Theo sát bước phát triển của cuộc chiến đấu, thơ Chế Lan Viên mang đậm tính chất chính luận, thời sự và muốn ôm trùm vấn đề chống Mỹ trong những bài thơ dài có tính chất tuỳ bút thơ. Trên tầm cao những chiến công của dân tộc, nhà thơ như muốn phát hiện lại các vấn đề từ những bề sâu, bề xa, tiếp tục truy kích kẻ thù và nói lên niềm tự hào về Tổ quốc và Ðảng, về những phẩm chất tuyệt vời của dân tộc trong những năm tháng thử thách quyết liệt.

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

Cùng với thơ chiến đấu, Chế Lan Viên vẫn có những bài thơ biểu hiện những cảm xúc tinh tế trong cuộc sống hàng ngày về thiên nhiên, về tình yêu và gia đình. Chế Lan Viên cũng sáng tác nhiều bài thơ về Bác Hồ, được tập hợp lại trong tập "Hoa trước lăng Người" (1977).

Ðưa thơ ca vào cuộc chiến dấu trực tiếp và kịp thời, mở rộng khả năng đề cập của thơ tới những vấn đề lớn của cuộc sống, mạnh dạn thử nghiệm những cách thể hiện mới nhất là mở rộng khuôn khổ câu thơ, bài thơ, khai thác triệt để những tương quan đối lập của sự vật và hiện tượng, phát huy trí tưởng tượng phong phú và dựng lên những hình ảnh tầng tầng, lớp lớp, thơ Chế Lan Viên đã góp một phóng cách độc đáo, phong phú của thơ ca Việt Nam những năm chống Mỹ.

Chế Lan Viên còn viết bút ký, tuỳ bút: "Những ngày nổi giận" (1967); "Giờ của số thành" (1976) - ông cũng là một cây bút phê bình và lý luận văn học sắc ảo với các tập "Phê bình văn học" (1982), "Suy nghĩ và bình luận" (1970), "Bay theo đường dân tộc" (1976), "Nghị cạnh dòng thơ" (1982)?

Chế Lan Viên mất năm 1989 tại thành phố Hồ Chí Minh, để lại sự luyến tiếc cho bè bạn và nhân dân.

Con gái ông Phan Thị Vàng Anh cũng là một cây bút trẻ có nhiều triển vọng.

(Viết theo "Từ điển văn học" và một số tài liệu khác).

*
*  *

Trên đây mới chỉ nói lên một số công tích của một số ít con cháu dòng họ Phan đóng góp vào công cuộc xây dựng, đánh giặc giữ nước, của dân tộc Việt Nam. Do trình độ có hạn, việc tập hợp truy tìm các tư liệu các tộc phả gặp nhiều khó khăn, mong các độc giả cũng như con cháu các chi phái dòng họ lượng thứ và tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để cho họ Phan trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ngày càng phong phú hơn.

Trang trước