PHẦN THỨ NHẤT:  TÌNH HÌNH CHUNG MỘT SỐ DÒNG HỌ VỚI CÁC VỊ THỦY TỔ KHAI CƠ

 

Trang trước  |  Trang tiếp

CHƯƠNG III
NGUỒN TỔ CHUYỂN CƯ MỘT SỐ DÒNG HỌ PHAN

A - TÌNH HÌNH CHUNG

Họ Phan nay có mặt khắp mọi miền đất nước, nhiều tỉnh có đến hàng trăm dòng họ Phan với các miếu đường thờ tổ riêng biệt. Có nhiều nơi trong một thôn, một xã cũng có nhiều họ Phan với các vị tổ khác nhau, hôn thú gả con cho nhau, theo tập tục "Ngũ đại tống thần chủ" cũng 5 đời thì dời thần chủ lên đền làng xã thờ chung, con trai trưởng là đích tử đại tông, sau 5 đời thì con trai trưởng là đích tử đại tông, sau 5 đời thì con trai trưởng dòng thứ cũng tách ra một chi phái thờ cha mẹ làm tổ riêng. Do đó có rất nhiều chi dần dần xa nhau, và khi đã thờ tổ riêng thì sau 5 đời gả con cho nhau được, trừ triều Trần trong Hoàng tộc, chỉ 2 đời, con chú con bác, vẫn được lấy nhau.(a)

Hiện nay dòng họ đại Tôn có tổ tiên là Triều quan, Ðại khoa, hoặc được phong sắc thần, sắc Thần Hoàng, thì có miếu đền thờ chung, vốn qua nhiều đời cúng chung một tổ tại Từ đường, gọi nhau bằng chú, bác, cô, anh, thì không cho phép lấy nhau, những dòng họ này thường được ghi phả hệ huyết thống thành tộc phả, nhưng nhiều lúc cũng không liên tục đầy đủ, nhất là đối với các thế hệ lâu đời. Còn những dòng họ tổ tiên là những dân nghèo, phải bỏ quê hương xứ sở đi nơi khác kiếm ăn, khai khẩn đất hoang, thì con cháu thờ cúng, truyền miệng nhau độ 5, 6 đời rồi dần dần quên lãng, mà cũng chẳng quan tâm ghi thành phổ hệ gia tộc. Vì vậy đến nay muốn hiểu nguồn gốc tổ tiên dòng họ, gặp rất khó khăn. Ðây là một điều đáng tiếc do quan niệm phong kiến coi nhẹ dân nghèo.

Dòng họ Phan cũng có rất nhiều vị triều quan, khoa bảng, chắc có ghi tộc phả, như các dòng họ ở Siêu Loại, Hà Bắc, Châu Giang, Chí Linh Hải Hưng, Ðông Sơn Thanh Hóa, Ba Vì Sơn Tây, Bạch Hạc Vĩnh Phú, Vũ Bản Nam Hà,Quỳnh Ðôi Nghệ An, Lê Thủy Quảng Bình, nhiều chi phái ở Quảng Nam, các tỉnh Trung Bộ, Nam Bộ v.v... thế nhưng chưa đủ điều kiện và khả năng để tập hợp đối chiếu tư liệu để tìm hiểu thêm nguồn gốc có cơ sở rõ ràng hơn.(b)

Hiện ở Nam Bộ, một vùng đất mà họ Phan cũng mới vào khoảng vài ba thế kỷ nay, nhưng vẫn không ghi rõ nguồn gốc tổ tiên, chỉ là truyền tụng một cách thiếu chặt chẽ với 5, 6 đời:

- Cụ Phan Thanh Giản làm quan, sinh 1796- 1867 mà mãi 185 mới viết gia phả, với 3 đời.

- Ông Phan Công Ðẩu gốc Bà Ðiểm, huyện Hóc Môn, không có gia phả theo con cháu cũng chỉ biết từ cụ Ðẩu đến nay được 6 đời. Ông Phan Công Hớn, một nhà yêu nước chống Pháp bị hy sinh, cũng thuộc dòng họ này.

- Ông Phan Tấn Yên gốc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, có liên quan với dòng họ Phan ở Bà Ðiểm, nhưng cũng chỉ kể được 6 đời, mà không có gia phả. Ðây là vùng 18 thôn Vườn Trầu, xưa kia lúc mới vào khai thác, gọi là vùng "Cọp dữ Vườn Trầu". Con cháu họ Phan ở đây khá đông đều cư trú xung quanh nhà thờ, Phan Công Hớn, cũng chỉ biết cụ tổ cao nhất là Cố Trình.

- Tại Củ Chi, một số tộc Phan cũng không có gia phả chỉ biết cụ cố cao nhất là Phan Văn Vằng.

- Ông Phan Tập là cụ tổ đầu tiên ở Cần Thơ cũng chỉ ghi được 7 đời, cách nay khoảng gần 200 năm.

- ở Bạc Liêu dòng họ Phan cũng khá đông nhưng không rõ tộc phả.

ở đây chỉ nêu lên một số dòng họ Phan ở Nam Bộ, mà hiện nay con cháu cũng chưa xác định được nguồn gốc tổ tiên ở đâu di chuyển vào, nên gần đây ở thành phố Hồ Chí minh đã tập hợp tổ chức Liên Tộc Phan với nhà Từ đường chung khá khang trang để kỷ niệm chung dòng họ tổ Phan di chuyển vào trong ấy.

Sau đây xin lược kê một số gốc tích dòng họ và một số con cháu di chuyển dựa theo một số tộc phả nhận được với một số địa điểm, để tiện các nơi có điều kiện tìm hiểu.


B - TÌNH HÌNH CHUYỂN CƯ KHAI CƠ MỘT SỐ DÒNG HỌ PHAN
     
(Dựa theo thứ tự thời gian)

DÒNG HỌ VỊ THỦY TỔ PHAN HÁCH
(Sinh khoảng 1250)
(a)

Ông Phan Hách gốc Thừa Tuyên Thanh Hóa vào ấp Ðan Chế, huyện Hà Ba (tức là Hà Hoa nay ở Hà Tĩnh) xuất thân là một nhà nho nghèo, thông minh hiếu học, lấy văn cương làm sự nghiệp, làm chức Trần Triều Vương phó sư, bà vợ là Cao Thị Tân, sinh được 6 người con trai và 2 con gái, nhưng thành tuyền về sau chỉ có hai ông là Phan Hắc, Phan Nhiên, và một người con gái lấy chồng họ Ðinh.

Do thời tao loạn, con cháu ông phải dời lên sinh cơ lập nghiệp ở xã Quyết Viết, tổng Việt Yên, huyện La Sơn (tức là xã Tùng Mai, nay là xã Ðức Yên, huyện Ðức Thọ, tình Hà Tĩnh) và dời mộ ông Phan Hách lên táng tại địa điểm này.

Về đời, lấy ông Phan Hách làm đời thứ I, thì con:

Ðời thứ II Phan Hức - Hắc sinh Cá Trầu (III)

- Cá Trầu sinh Cá Bống (IV)

- Ðức Dụ sinh Phúc Tường và Phúc Khánh (VI)

- Phúc Tường sinh Bá Cung (VII đời Hồ)

- Phúc Khánh sinh Phúc Ða (VII đời Hồ)

- Bá Cung sinh Phúc Hiệu (VIII)

- Phúc Ða sinh Phúc Dư (VIII)

Ðời thứ II dòng thứ ông Phan Nhiên sinh Phan Tần (III)

- Tần sinh Nghinh (IV)

- Nghinh sinh Ðặng (V)

- Ðặng sinh Mặc (VI)

- Mặc sinh Sơn Phủ (VII thời Lê)(a)

- Sơn Phủ sinh 4 con (đời VIII) là:

- Phan vụ Bổn (VIII) làm Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ Anh liệt tướng quân (thời Lê Hồng Ðức 1460-1497).

- Phan Dư Khánh (VIII) đỗ tiến sĩ năm Lê Hồng Ðức thứ 32 (1481)

- Phan Phúc Cẩn (VII) đỗ tiến sĩ năm Lê Hồng Ðức thứ 26 (1475)

- Phan Khắc Kỳ (VIII) 25 tuổi đậu Hương cống khoa Bính Ngọ (1486) làm Cẩm y vệ chỉ huy kiểm sự quạn công; đến thời thứ VIII nay con cháu đông, lại nhiều nhà khoa bảng triều quan, nên phân chi phái lập từ đường riêng để thờ tự.

Dòng trưởng, con cháu ông Phan Hắc, đến đời thứ VIII là Phúc Hiệu làm tổ dòng Phái Giáp.

Dòng trưởng con cháu ông Phan Hắc, đời VIII là Phúc Dư làm tổ dòng phái Ất.

Dòng thứ, con cháu ông Phan Nhiên, đời thứ VIII là Phan Vụ Bổn làm tổ đóng Phái Tý.

Dòng thứ, con cháu ông Phan Nhiên, đời thứ VIII là Phan Dư Khánh, tổ dòng Phái Sửu.

Dòng thứ, con cháu ông Phan Nhiên, đời thứ VIII là Phan Phúc Cẩn tổ dòng Phái Dần.

Dòng thứ, con cháu ông Phan Nhiên, đời thứ VIII là Phan Vụ Bổn làm tổ dóng Phái Tý.

Dòng thứ, con cháu ông Phan Nhiên, đời thứ VIII là Phan Dư Khánh, tổ dòng Phái Sửu.

Dòng thứ, con cháu ông Phan Nhiên, đời thứ VIII là Phan Phúc Cẩn tổ dòng Phái Dần.

Dòng thứ, con cháu ông Phan Nhiên, đời thứ VIII là Phan Khiết Kỷ tổ dòng Phái Mão.

Con cháu các dòng phái nói trên về sau có nhiều người phát đạt thịnh vượng.

Hậu duệ ông Phan Hách đến khoảng cuối đời Trần có ông Phan Quang Minh chưa xác minh được thuộc thế thứ dòng nào, chỉ biết theo một vài tư liệu phổ ký nói ông Phan Quang Minh có công đánh giặc Chiêm Thành được phong chức thống lĩnh Ðại tướng quân, ông Phan Quang Minh có 6 người con trai mà 4 người làm nên sự nghiệp lớn và di cư đi các nơi khác.

Con trưởng: Phan Phu Tiên dời ra ở làng Ðông Ngạc huyện Từ Liêm Hà Nội, đỗ tiến sĩ mở ra dòng họ Ðông Ngạc.

Con thứ 3: Phan Viết Bao vào Thuận Hóa khai canh lập ấp làng An Nông (Thừa Thiên) giỗ cúng là 24-1 âm lịch.

Con thứ 5: Phan Viết Ngư vào Thuận Hóa khai canh làng Phù Bài (Thừa Thiên) giỗ cúng là 23-4 âm lịch.

Con thứ 6: Phan Viết Nội vào Thuận Hóa khai canh làng Hà Trung (Thừa Thiên) giỗ cúng là 29-6 âm lịch.

Ðời con ông Phan Viết Bao là Phan Viết Nhân U cũng theo đi đánh giặc Chiêm Thành, lúc trở về cũng ở lại khai canh làng Lương Viện (Thừa Thiên) giỗ cúng là 30-9 âm lịch.

Thời Lê Hồng Ðức, cũng nói là Hậu duệ ông Phan Hách không rõ dòng phái thế hệ nào có ông Phan Hiêm cùng 2 con là Phan Ðường và Phan Lãng vào đánh chiếm thành lúc về cũng ở lại khai canh vùng Thuận Hóa: ông Phan Ðường khai canh làng Diêm Khánh, tỉnh Quảng Trị - ông Phan Lãng vào đánh chiếm thành lúc về cũng ở lại khai canh làng Hồng Ân sau đổi là làng Hồng Phúc nay là Thanh Phước (Thừa Thiên) con cháu ông này phát triển, nay ở các làng Thạch Bình (Sịa), Thanh Phước, Diên Lộc gần Mai Vĩnh (Thừa Thiên).

Các ông nói trên về sau được các triều vua phong sắc là "Tiền vị khai canh".

Năm Chính Trị nguyên niên, Mậu Ngọ (1558) đời vua Lê Anh Tông có ông Phan Văn Tề là cháu 4 đời của phó tiến sĩ Phan Dư Khánh, theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, khai canh lập ấp làng Mai Vĩnh (Thừa Thiên) sau được truy phong là "Tiền tổ khai canh".

Dòng họ ông Phan Hách hiện nay ở Hà Tĩnh có 6 chi như đã nói trên: Giáp, ất, Tý, Sửu, Dần, Mão, đa số ở Ðức Thọ con cháu đông đúc thịnh vượng.


DÒNG HỌ VỊ THỦY TỔ
PHAN CÔNG THIÊN Ở ĐÀ SƠN
(QUẢNG NAM)

Phần nhiều dòng họ các chi phái ở miền trong theo phổ liệu đều ghi gốc tích thời thượng cổ xuất phát từ Việt Thường bộ, Thanh Lam động(a) về sau di chuyển vào Lâm Châu (Lâm Bình) rồi mới chuyển vào đạo Quảng Nam(b) và tiếp tục vào tận cực nam.

Ông Phan Công Thiên gốc từ Thanh Hóa, sinh ngày 6 tháng giêng năm Mậu Ngọ (1318) đời Trần Minh Tông (1314-1329) lấy vợ là Trần Ngọc Lăng, công chúa con vua Trần, sinh năm Quý Hợi (1323). Ông được vua Trần ban chức "Ðô chỉ huy sung thập tam châu kinh lược chiếu dụ xử trí sứ" tức là chức Kinh lược coi 13 châu, chiêu dụ các chủng tộc địa phương, xử trí an cư lạc nghiệp, hòa hợp làm ăn.

Ông vào đóng tại Ðà Sơn năm 1346 lúc này gọi là Trà Ngâm động, Trà Na Xử, với diện tích rất rộng thuộc phía nam xứ Hóa Châu, từ sông Cu Ðê phía nam đèo Hải Vân vào đến huyện Ðiện Bàn, có các họ Phan, Nguyễn Kiều, Ðỗ vào khai hoang lập ấp ở lẫn với người Chiêm Thành.

Kể từ năm 1307, sau lúc Chiêm Thành nhường lại châu Ô, Lý, vua Trần Anh Tông đổi tên là châu Thuận (từ Quảng Trị vào bắc Thừa Thiên) và Châu Hóa (từ nửa phía nam Thừa Thiên vào địa bàn Quảng Nam phía bắc sông Thu Bồn), việc chỉ đạo sản xuất khai hoang được thuận lợi, nhưng sau khi vua Chiêm là Chế Mân chết, bà Huyền Trân được đưa về bắc thì tình hình trở nên gay go, các vua Chiêm kế vị đòi lại 2 châu ấy. Chế Bồng Nga từ 1377 gây chiến với Ðại Việt đã từng tiến ra phía bắc làm chủ tình hình từ Nghệ An trở vào Thuận Hóa. Cuộc chiến xảy ra liên miên kéo dài cho đến lúc Chế Bồng Nga tử trận vào năm 1390, tình hình mới ổn định.

Ông Phan Công Thiên vào làm Kinh lược sứ vùng Hóa Châu thời kỳ khó khăn, thế lực quân Chiêm Thành hùng mạnh, lòng dân ly tán, nhưng ông khôn khéo xử trí người Việt và người Chiêm đảm bảo cho sản xuất ổn định, sinh hoạt an toàn.

Ðến cuối đời Trần do tuổi già sức yếu, ông xin nghỉ, được vua Trần phong là "Thành Hoàng Thuận Quốc Công" giao cho 2 người con tiếp tục nhiệm vụ của cha: Kinh lược các châu, động trại, toàn quyền xử lý các địa phương.

Ông Phan Công Thiên về dựng tư phủ tại trại Trà Na làng Ðà Sơn bấy giờ. Người con trưởng là Phan Công Chánh dựng công phủ tại Ðà Câu (sau là Lạc Câu) châu Thăng Hoa, người con thứ 2 là Phan Công Nhâm dựng công phủ tại trại Nội Ðồng, xã Ðà Ly, đặt huyện nha tại trại Kỳ La. Nhưng tiến trình diễn biến một cách bất lợi: năm 1400 Hồ Quý Ly giết vua nhà Trần, mà hai ông Công Chánh. Công Nhâm lại là cháu ngoại Hoàng tộc Trần Triều công chúa, một đối tượng mà nhà Hồ đương tìm cách trừ khử.

Với trách nhiệm đối với nhân dân, và trách nhiệm riêng đối với gia đình, ông Phan Công Thiên phải bố trí cho hai người con: con trưởng xin từ chức mượn cớ về nghỉ để nuôi dưỡng cha mẹ già. Con thứ 2, ông Phan Công Nhâm phải thu hết sổ sách giấy tờ đến yết kiến quan nhà Hồ, nói dối là chào mừng chính quyền mới và vâng lệnh nhận công việc Triều Hồ để tránh hiềm nghi. Viên quan nhà Hồ vui mừng thiết đãi yến tiệc rồi giao cho ông Công Nhâm nhận quản lý số lưu dân người Việt, tha dòng tôn thất cũ nhà Trần, ôngchuyển những dân Việt chống lại Triều mới, di chuyển vào, chia vào các trại cho làm nhà ở và cấp ruọng đất để sản xuất ổn định.

Năm 1402, Hồ Quý Ly chiếm đất Chiêm Ðộng, Cổ Lũy, đặt 4 châu: Thăng, Hoa, Tư Nghĩa (Quảng Nam, Quảng Ngãi) nhưng khi nhà Minh đánh bại Hồ Quý Ly, đem đất Chiêm Ðộng Cổ Lũy trả lại cho Chiêm Thành, thì người Việt ho họ Hồ điều vào, nay lại chạy ra châu Hóa phía bắc sông Thu Bồn, ông Phan Công Nhâm vẫn khôn khéo xử trí để đảm bảo cho người Việt được an toàn.

Tuy vậy, một người cháu (đời thứ III) là ông Phan Công Minh vẫn bí mật rèn luyện lớp trẻ, chuẩn bị lực lượng để chờ cơ hội lập công cứu nước. Năm 1425, lúc vua Lê cử tướng Trần Nguyên Hãn vào đánh Tân Bình, Thuận Hóa, thì ông Phan Công Minh đem lực lượng sung vào nghĩa quân chống đánh giặc Minh lập được nhiều chiến công. Nên khi đánh đuổi được giặc Minh, nước nhà hoàn toàn giải phóng, vua Lê phong ông là "Thuận Hóa hầu" (mộ ông bà tại làng Ðà Sơn có bia ký).

Ông Phan Công Thiên mất ngày 14-4 âm lịch năm 1405.Do có công tích lớn nểnTiều Thần phong sắc "Thành Hoàng Thuận Quốc Công"; Triều Lê phong "Hữu Dực Thánh Thành Hoàng"; Triều Nguyễn phong "Dực bảo trung Hưng linh phò Tôn Thần" - Hiện nay lăng mộ ông tại thôn Ðà Sơn, xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, đã được công nhận là di tích địa phương.

Con cháu ông vẫn tiếp tục khai hoang lập ấp, có nhiều công tích ở nhiều nơi, nhiều vùng đất nước: Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Khánh Hòa, Bình Thuận và tận Nam Bộ.

Ðời thứ IV: Ông Phan Công Xiêm cai cơ đồn Hóa ồ (Nam Ô) có công khai hoang hai xứ Ðồng Thiên, Ðồng Tranh ở vùng Cu Ðê (Hoà Vang) đến nay vẫn còn địa danh lưu truyền.

Ðời IV: Ông Phan Cao Huy và bà Lê Thị Ngọc Mỹ, ông bà có công phò vua Lê lánh nạn Ai Lao lúc bị nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nên về sau ông được phong "Ðô đốc chỉ huy HiênNgọc Hầu", bà "Tứ phẩm cung nhân".

Ðời thứ V: Ông Phan Công Giáo lúc gặp chúa Nguyễn Hoàng vào quan sát vùng đất Ðiện bàn đã trình bày tình hình và thành tích tổ tiên, được chúa Nguyễn Hoàng báo cáo ra vua Lê nên được phong sắc cho tổ Phan Công Thiên nói trên. Còn ông Công Giáo được ghi là Công Thần, con cháu được nhận tước nam và ruộng đất làm hương hỏa phụng thờ (mộ phần ông bà tại Ðà Sơn có bia ký).

Ðời thứ VI: Ông Phan Công Tấn Ngọc khai hoang 2 xứ đất Mộc Sách, Gô Mê, mộ dân đến ở, lập xã hiệu Trung Sơn (nay Thanh Vinh), Tân Ninh, Hương Phước (nay là xã Hòa Khánh và Hòa Liên, Hòa Vang).

Ðời thứ VII: Ông Phan Kế Khanh năm Quan Thuận thứ IV (1463) khai khẩn 5 xứ đất Ðồng Rau lập ấp xã Cẩm Nê, 7 xứ đất Ðồng Quang lập xã Cẩm Tọa (Hòa Vang).

Ðời thứ VII: Ông Phan Công Hiển, học vị tiến sĩ đã có công giúp chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi ở phương Nam được phong là "Thứ sử quan" vợ là Nguyễn Phước Bình - ông bà sinh được 11 người con, trong đó 5 người con đầu tòng quân chúa Nguyễn bình định Thủy Chân Lạp, lúc ổn định 5 người con ở lại dạy dân Chân Lạp về văn hóa và cày cấy, rồi sinh cơ lập nghiệp trong đó, con cháu về sau phát triển di cư đến miền Tây Nam Bộ.

Ðầu thế kỷ XVII: Hậu duệ của ông Phan Công Hiển vào Nam có ông PhanTans Thọ ở tại Gia Ðịnh Thành, đến đời thứ V cháu chắt của ông Phan Công Tấn Huynh (Quỳnh) giúp chúa Nguyễn ánh cai quản đất Gia Ðịnh Sài Gòn (Sài Gòn). Có nhiều công tích được phong là Hoàng Công Hầu, làng mộ ông hiện nay tại đường Huỳnh Văn Bánh quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh (có tiểu sử riêng ở dưới).

Nói chung con cháu ông Phan Công Thiên với hai hệ Phan Công Chánh (hệ I) và Phan Công Nhâm (hệ II) phát triển khá đông đúc ở Quảng Nam, vào các tỉnh miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Riêng tỉnh Quảng Nam đã được các hệ phái xác minh ở nhiều huyện.

Huyện Hòa Vang có 34 chi phái ở các thôn xã

Huyện Ðiện Bàn có 11 chi phái ở các thôn xã

Huyện Ðại Lộc có 11 chi phái ở các thôn xã

Huyện Duy Xuyên có hai chi phái ở các thôn xã

Huyện Thăng Bình có 9 chi phái ở các thôn xã

Huyện Quế Sơn có 10 chi phái ở các thôn xã

Các huyện Tam Kỳ, Núi Thành, Tiền Phước có 8 chi phái ở các thôn xã.

Riêng tỉnh Quảng Nam có 85 chi phái - Từ Quảng Nam lại phát triển đi các tỉnh khác:

Ở tỉnh Quảng Ngãi:

Ông Phan Văn Tỏ đời thứ XVI từ Quảng Nam vào sinh cư lập nghiệp tại làng Ðông Mỹ, huyện Tư Nghĩa. Con cháu ông Phan Văn Tỏ đời thứ IV có ông Phan Văn Hảo ra sinh cư lập nghiệp tại làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên.

Ðời XVII: Ông Phan Văn Chiểu cũng từ Quảng Nam vào lập nghiệp tại làng Lương Nông Bắc, xã Ðức Thạnh huyện Mộ Ðức.

Ở tỉnh Bình Ðịnh:

- Ông PhanCông Bình đời thứ XVII cũng từ Quảng Nam vào lập nghiệp tại làng Hiếu Nghĩa, huyện Tuy Viễn.

- Ông Phan Công Binh đời thứ XVII dời vào sinh cư tại làng An Dưỡng, Tổng Trung An, Phủ Hoài Nhơn.

Ở tỉnh Khánh Hòa:

- Ông Phan Văn Cường cùng em là Phan Văn Kiểu đời thứ XXII dời vào xã Ninh Thuận, huyện Ninh Hòa đến nay ba đời.

- Ông Phan Công Thạnh đời thứ XIX cũng dời vào Nha Trang đến nay 7 đời.

Ở tỉnh Bình Thuận: Ông Phan Quyên dời vào Phan Thiết đến nay 4 đời.

- Ông Phan Cẩn cũng dời vào Phan Thiết đến nay 3 đời.

- Ông Phan Ðồi cũng từ Kim Bồng dời vào Phan Thiết đến 3 đời.

Ở tỉnh Gia Ðịnh: (nay là TP. Hồ Chí Minh).

- Ông Phan Tấn Thọ đờithứ XIV hậu duệ ông Phan Công Hiên dời vào địnhcw tại Gia Ðịnh Thành, con cháu có ông Phan Tấn Huỳnh, nhận chức Tổng Trấn Phiên An.

- Ở tỉnh Thừa Thiên Huế:

- Ông Phan Công Tích đời thứ XVIII, tước phẩm "Phong Ðăng Hầu" triều Gia Long thuộc dòng trực hệ 1 phát triển con cháu gồm 6 chi phái: chi 1, 2, 3, 4 và một phần chi 5 sinh cư tại Ðà Sơn, Ðà Nẵng, Sài Gòn. Còn một phân chi 5 và 6 sinh cư tại các phường Tĩnh Tâm, Tây Lộc, Vĩnh Lợi và Ðập Ðá thành phố Huế truyền đến nay là 8 đời. Con cháu đông đúc.

Tự tôn tại Ðà Sơn hiện nay là ông Phan Văn Nam, tại Huế là ông Phan Văn Dư và Phan Văn Minh.

Ông Phan Văn Hảo đời thứ XIX con cháu hệ phái Phan Văn Tơ đời thứ (XVI) tại làng Ðông Mỹ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi dòng Ðà Sơn, cháu đời thứ III ông Phan Song (tức Thắng) về lại Quảng Nam lưu cư tại làng Bàn Thạch, huyện Duy Xuyên rồi đến ông PhânHò đời thứ 4 (tức XIX) di lưu sinh cứ tại làng Mỹ Lợi, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, truyền đến nay ở Mỹ Lợi là 7 đời.

Ông Phan Hữu Quyền đời thứ XVII Hậu duệ Phan Hữu Phú (đời V) dời ra sinh cơ lập nghiệp tại làng Thổ Sơn, xã Lộc Tiên, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên truyền đến nay ở Thổ Sơn đến nay là 9 đời.

- Ông Phan Công Ðông, đời thứ VI giữ chức cai cơ thờ chúa Nguyễn, Trấn thủ Thuận Hóa (Phố Ký ghi tại Ðình Quảng Ðức). Vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Oai Tùng tam phẩm phu nhân đến nay chưa biết hệ chi phái này ở Thừa Thiên hay nơi nào khác.

- Tại Thừa Thiên còn có ghi chi phái quê quán ở Thanh Hà, Quảng Lộc, Quảng Ðiền, vào Quảng Nam ở xã Quảng Châu, Hội An hiện có con cháu ở thôn 2 Hải Sơn, Krông Bông DaKlaK và chi phái khác ở thôn Phước Thọ xã Esphe Không Nắc DaKlaK (còn đương điều tra xác định hệ phái).

Nói chung hệ con cháu dòng họ thủy tổ Phan Công Thiển rất đông, đã 95 chi phái liên hệ xác nhận gốc tổ. Còn các chi phái ở DaKlaK, Phú Vinh (QUế Xuân) Phước Kiều (Ðiện Phương), Mỹ Thuận (Ðại Lộc) Nho Lâm (Bính Trị) vẫn còn tiếp tục sưu tầm để đối chiếu tộc phả xác định thế hệ.

Ngoài ra có một dòng họ Phan ở Quảng Nam có quan hệ đồng tộc cần xác minh.

- Làng Thị Lai (xã Ðiện Phong) ông Phan Phước Triệu với các con Phan Phước ức, Phan Phước Vạn, Phan Phước Bách (có nói về dòng họ theo thế phổ ở dưới) có quan hệ với Ðà Sơn trong các ngày tế lễ và trùng tu lăng mộ tổ.

- Làng Bản Lãnh (Ðiện Trung) sinh 4 hệ phái ở Bản Lãnh, Ðông Yên,Cổ Tháp. Trong Phổ Chí Ðà Sơn có ghi là hệ phái đồng tôn, những đến nay chưa các định.

- Làng Phong Thử (ÐIện Thọ) ông Phan Ðài sinh hệ phái Phan: Minh Ðức Ðường (có nói về dòng họ theo tộc phả ở dưới). Phái Quang Tiền Vũ Hầu, Phái Phan Phụng Tiên sinh hệ phái Phụng Tự - Hệ Minh Ðức và Quang Tiền có quan hệ đóng góp trùng tu lăng mộ tổ ở Ðà Sơn.

- Làng Bảo An (Ðiện Quang). Ông Phan Nhơn Huyện, sinh hạ phát triển dòng họ tại địa phương này, cũng tham dự ngày lễ hội lớn và cũng đóng góp trùng tu lăng mộ tổ.

- Làng Phiếm ái (ái Nghĩa, Ðại Lộc) ông Phan Ðức Cấp sinh hạ phát triển tộc họ tại làng này cũng có quan hệ đồng tôn với Ðà Sơn.

(Tư liệu trên viết theo "Thế phổ dòng họ Ðà Sơn Quảng Nam" 1328 - 1997 do Ban tu sưu tộc Phổ chí biên soạn năm Ðinh Sửu (1997).

Trang trước  |  Trang tiếp